Nhu cầu thuê mặt bằng trung tâm khó tăng trong ngắn hạn

Số liệu từ Batdongsan.com.vn cho thấy, trong quý 1/2023, nhu cầu tìm thuê nhà mặt phố TP.HCM có động thái giảm, nhất là ở các khu vực trung tâm. Theo đó, lượt khách tìm thuê nhà phố quận 1 giảm 40%, quận 3 giảm 45%, các quận ngoài trung tâm khác là quận 7 giảm 52%, quận 10 giảm 48% và Phú Nhuận giảm 50% so với nhu cầu thuê thời điểm quý 4/2022.

Đáng chú ý, trong quý 4/2022 trước đó, nhu cầu tìm thuê nhà phố nội thành TP.HCM cũng đã liên tục giảm mạnh, đà suy giảm kéo dài từ quý 2/2022 đến hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

Dù nhu cầu tìm thuê thấp, giá chào thuê mặt bằng kinh doanh tại TP.HCM vẫn tăng mạnh, nhất là ở khu trung tâm. Giá thuê nhà mặt phố tại quận 1 ghi nhận tăng 17%, quận 3 tăng 13%, quận 7 tăng 11%, quận 10 tăng 2% và Phú Nhuận tăng 9% so với quý trước. Đà tăng giá này đang làm nghiêm trọng hơn thực trạng ế ẩm của các mặt bằng kinh doanh cho thuê tại trung tâm nói riêng và thị trường nhà phố cho thuê TP.HCM nói chung.

Thực trạng khó khăn sẽ còn kéo dài với phân khúc mặt bằng cho thuê tại TP.HCM trong ít nhất 1 năm tới đây.

Lý giải xu hướng suy giảm nhu cầu thuê mặt bằng nhà phố trung tâm, chủ một doanh nghiệp tại TP.HCM chia sẻ, tình hình kinh doanh đang khó khăn hơn trước đây, người dân có xu hướng “thắt lưng buộc bụng”, kiểm soát chi tiêu gắc gao hơn. Điều này đồng nghĩa những doanh nghiệp kinh doanh cũng phải tính toán lại mọi khoản chi phí để điều tiết ngân sách duy trì hoạt động. Hầu hết doanh nghiệp lớn đều phải tái cấu trúc, mạnh tay đóng cửa những địa điểm kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ hoặc chuyển dịch kinh doanh về khu vực đang phát triển để bảo đảm nguồn thu, lợi nhuận. Thay vì cố giữ một điểm bán ở vị trí trung tâm, doanh nghiệp phải quan tâm bài toán hiệu quả đối với từng cửa hàng, từng mô hình và chọn đầu tư ở khu vực phù hợp.

Bên cạnh đó, hậu COVID-19, xu hướng mua hàng trực tuyến và đặt dịch vụ giao tận nhà gia tăng nên nhiều doanh nghiệp có xu hướng chuyển cửa hàng ra xa trung tâm để có mặt bằng giá rẻ hơn. Chi phí mặt bằng chiếm tỉ lệ lớn trong tổng chi phí kinh doanh nên mặt bằng giá thấp luôn được ưu tiên. Làn sóng rút lui khỏi khu vực trung tâm dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Lý giải về xu hướng “ế nhưng giá thuê vẫn cao”, một chuyên gia trong ngành cho biết, hầu hết các mặt bằng trung tâm thường do những đơn vị kinh doanh dịch vụ sang tay nhiều lần. Qua mỗi lần sang tay là giá lại có thêm sự chênh lệch, chủ cho thuê không muốn chịu lỗ, không giảm giá. Bên cạnh đó, việc giá bán nhà mặt phố cũng tăng qua các năm khiến giá thuê thay đổi theo. Ngoài ra, theo chia sẻ từ nhiều chủ nhà, nhiều trường hợp khách thuê yêu cầu giảm giá 30 -40% và phải ký hợp đồng dài hạn trên 5 – 7 năm không tăng giá thuê. Điều này như tạo sức ép lên chủ nhà vì nếu cho thuê mức giá trên trong thời gian dài, họ sẽ thất thu khi thị trường phục hồi tốt lên thời gian tới. Phần lớn các chủ sở hữu mặt bằng cho thuê tại trung tâm đều nhìn nhận, thời gian tới, khi kinh tế phục hồi, sẽ có khách chấp nhận mức giá thuê mà chủ nhà đưa ra, thậm chí còn cao hơn bây giờ. Vì vậy, thà để trống mặt bằng một thời gian còn hơn phải ký cho thuê dài hạn với mức giá thuê không tương xứng.

Theo các chuyên gia dự đoán, sẽ mất ít nhất 1 năm nữa để tái cân bằng bộ mặt trung tâm TP.HCM. Vì vậy thời điểm này, chủ cho thuê và người thuê nên thương lượng mức giá hợp lý để cùng có lợi.

 

 

(Nguồn batdongsan.com.vn)

Xem các tin khác:

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x