Đề nghị gia hạn Thông tư 08 thêm 1 năm

Ngày 30.9, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đề nghị gia hạn Thông tư 08 thêm 1 năm.

Cụ thể, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xem xét gia hạn Thông tư 08 thêm 1 năm áp dụng quy định các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn. Nên áp dụng kể từ ngày 1.10.2024 thay vì áp dụng kể từ ngày 1.10.2023 để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng được sử dụng hợp lý nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn. Đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân, mà vẫn không gây “rủi ro” về an toàn cho hệ thống tín dụng.

Ngoài ra, để thực hiện Nghị quyết số 33 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững khi giao cho Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng…

Theo HoREA, kể từ ngày 1.10.2023, Thông tư 08 quy định các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ còn được phép sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn (chủ yếu là tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn) để cho vay trung hạn, dài hạn thay vì 34% như hiện nay.

Tuy nhiên, theo HoREA, bối cảnh của nền kinh tế nước ta hiện nay đã thay đổi rất khác so với bối cảnh lúc ban hành Thông tư 08 năm 2020 và đang đứng trước các thách thức rất lớn, từ tác động của “các cơn gió ngược” tác động bất lợi đến kinh tế – xã hội nước ta. Trong đó có lĩnh vực bất động sản do phát sinh những nhân tố khách quan, bất ngờ, không thể dự đoán được tại thời điểm ban hành Thông tư 08.

Bối cảnh nền kinh tế tại thời điểm Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 08 là lúc dịch Covid-19 bắt đầu phát tán ra một số nước và về cơ bản thì nước ta đã kiểm soát được dịch bệnh trong giai đoạn đầu này. Nhưng, kể từ khoảng nửa cuối năm 2020 trở đi thì đại dịch bùng phát trên toàn cầu, tác động nghiêm trọng đến nước ta, đến nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Dù nước ta đã khống chế được đại dịch và sớm mở cửa trở lại ngay từ quý 3.2022. Nhưng tiếp theo đó lại xảy ra cuộc xung đột Nga – Ukraine từ khoảng cuối quý 1/2022, trở thành cuộc xung đột địa chính trị dẫn đến tình trạng suy thoái, lạm phát cao, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong lúc bối cảnh hiện nay là nền kinh tế và thị trường bất động sản vẫn còn rất khó khăn do tác động của “các cơn gió ngược”, nên đã có những doanh nghiệp thuộc nhiều ngành kinh tế thu hẹp sản xuất kinh doanh nên giảm hoặc thậm chí không có nhu cầu vay tín dụng. Riêng đối với nhiều doanh nghiệp bất động sản thì vẫn có nhu cầu vay tín dụng nhưng lại khó tiếp cận tín dụng. Nguyên nhân chủ yếu là do các dự án bất động sản bị vướng pháp lý mặc dù chủ đầu tư đã có đất sạch. Trong khi các ngân hàng thương mại yêu cầu doanh nghiệp phải có “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư”, phải có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, thậm chí phải có giấy phép xây dựng, dự án phải có tính khả thi thì mới được vay tín dụng.

Chỉ cần các ngân hàng thương mại xem xét “nới tay” một chút cho doanh nghiệp được vay tín dụng “để bù đắp tài chính” có dự án đầu tư bảo đảm tính khả thi hoặc có tài sản bảo đảm là sổ hồng của dự án thì sẽ giúp cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14% của năm 2023 vì cho đến ngày 15.9 Ngân hàng Nhà nước cho biết kết quả tăng trưởng tín dụng mới đạt gần 12,6 triệu tỉ đồng, chỉ tăng 5,56% so với cuối năm 2022, còn gần 1 triệu tỉ đồng có thể bơm vào nền kinh tế.

Do vậy, HoREA đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo và đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 08 theo hướng gia hạn thêm 1 năm thời điểm áp dụng quy định trên để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng được sử dụng hợp lý nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn.

Nhận thấy bất cập của Thông tư 08, trước đó, HoREA cũng đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét gia hạn thêm 12 tháng thời điểm áp dụng quy định các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn nên áp dụng kể từ ngày 1.10.2024 nhưng Ngân hàng Nhà nước chưa phản hồi.

 

(Nguồn thanhnien.vn)

Xem các tin khác:

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x