Bình Dương cần rà soát vướng mắc trong ba “trụ cột” chính

Tỉnh Bình Dương phản ánh địa phương này hiện vẫn còn 4 nhóm khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng, tín dụng, thị trường và nguồn lao động.

Binh Duong can ra soat vuong mac trong ba “tru cot” chinh hinh anh 1

Khu nhà ở xã hội giá rẻ tại phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương hầu hết đã có chủ. (Ảnh: TTXVN)

Thời gian tới, Bình Dương cần rà soát những vướng mắc trong ba lĩnh vực trụ cột gồm đầu tư (đặc biệt đầu tư công), xuất khẩu và tiêu dùng; trong đó, tập trung thu hút đầu tư, sản xuất, xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường và tìm biện pháp thúc đẩy mức tiêu dùng hàng nội địa.

Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trong Đoàn công tác của Chính phủ làm việc với tỉnh Bình Dương để nắm bắt tình hình, đưa ra giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, tháo gỡ khó khăn về nhà ở xã hội, thị trường bất động sản…

Tỉnh Bình Dương phản ánh địa phương này hiện vẫn còn 4 nhóm khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng, tín dụng, thị trường và nguồn lao động.

Cụ thể là về thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai; thủ tục đầu tư xây dựng; giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định; tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư; phòng cháy chữa cháy.

Về chính sách tín dụng, lãi suất vay vốn tăng cao. Doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay gặp nhiều khó khăn do không còn tài sản đảm bảo. Việc vay tín chấp trên phương án kinh doanh lại càng khó khăn bởi chỉ những doanh nghiệp lớn, có quan hệ tốt mới tiếp cận được.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không có được phương án kinh doanh tốt do không có đơn hàng xuất khẩu…

Bình Dương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho tỉnh áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất để tính thu nghĩa vụ tài chính cho các khu đất có giá trị trên 20 tỷ đồng; có giải pháp thu hút được những đơn vị có chức năng thẩm định giá tham gia tư vấn giúp địa phương đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất, tính thu nghĩa vụ tài chính về đất, góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thực hiện thu ngân sách; sửa đổi chính sách về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo hướng bình đẳng giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đồng thời, Bình Dương kiến nghị các bộ, ngành sớm hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật về đầu tư công, nhất là định mức, chi phí để làm cơ sở lập, thẩm định, phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư, chủ trương đầu tư; dự án không có cấu phần xây dựng; dự án giải phóng mặt bằng để có cơ sở tổ chức thực hiện…

Liên quan đến vốn tín dụng, tỉnh Bình Dương kiến nghị Chính phủ có chính sách cho doanh nghiệp nợ, giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế từ 3-6 tháng để có vốn để duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm, chăm lo, giữ chân người lao động.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách giãn nộp thuế và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023.

Binh Duong can ra soat vuong mac trong ba “tru cot” chinh hinh anh 2
Dự án chung cư nhà ở xã hội Tân Đông Hiệp được khởi công vào tháng 6/2022. (Ảnh: TTXVN phát)

Bên cạnh đó, Bình Dương đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho các doanh nghiệp được cơ cấu nợ, gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ tương tự như Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Điều này nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì được dòng vốn, đảm bảo hoạt động vượt qua thời kỳ khó khăn và cũng không làm tăng thêm nợ xấu của ngân hàng…

Trong vai trò trưởng đoàn công tác của Chính phủ làm việc với Bình Dương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị lưu ý, trong lĩnh vực xây dựng, tỉnh cần thúc đẩy và quản lý quy hoạch; rà soát các cấp độ quy hoạch để điều chỉnh, bổ sung kịp thời để thống nhất và đồng bộ làm cơ sở thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, Bình Dương cần lập quy hoạch không gian ngầm.

Trong phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, Bình Dương cần phát huy thế mạnh, kinh nghiệm để thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” và tham gia gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng của Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

“Những vướng mắc liên quan đến nhà ở xã hội do Sở Xây dựng Bình Dương kiến nghị, Bộ Xây dựng sẽ tiếp nhận để trình Quốc hội để có cơ sở tháo gỡ khó khăn và nhanh chóng triển khai đầu tư xây dựng,” Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định.

Với thị trường bất động sản, Bình Dương cần bám sát Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền để tìm ra hướng tháo gỡ những khó khăn trong thẩm quyền của tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.

Về những khó khăn chung như: ách tắc trong xác định giá đất, giải phóng mặt bằng, chuyển nhượng bất động sản, áp dụng hệ số đất, định mức chi phí dự án, chính sách tín dụng… gây ùn tắc trong quá trình đầu tư, xây dựng, Tổ công tác sẽ báo cáo chi tiết lên Thủ tướng để tìm cách tháo gỡ.

Đối với dự án trọng điểm trên địa bàn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị tỉnh thúc đẩy các thủ tục đầu tư, Tổ công tác và Bộ Xây dựng sẵn sàng phối hợp với địa phương để triển khai dự án.

Tổ công tác của Chính phủ sẽ tiếp tục theo sát địa phương để năm bắt những vướng mắc trong quá trình thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trong thời gian tới cũng như đôn đốc làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Theo ông Phạm Trọng Ninh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương, trong quý 1 năm 2023, tỉnh thu hút gần 15.600 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, giảm 22,4% so với cùng kỳ.

Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có hơn 61.000 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 646 nghìn tỷ đồng.

Nguồn đầu tư nước ngoài thu hút hơn 723 triệu USD, giảm 69% so với cùng kỳ. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có hơn 4.100 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 39,9 tỷ USD.

Sản xuất công nghiệp của Bình Dương gặp nhiều khó khăn. Lượng đơn hàng và quy mô đơn hàng giảm mạnh, mặc dù doanh nghiệp và địa phương đã chủ động cải tiến các phương thức tiếp cận, kinh doanh.

Các khu công nghiệp thu hút đầu tư nước ngoài đạt 39 triệu USD – chiếm 9% cả tỉnh, cho thuê được 4,2ha đất.

Doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã giải ngân 881 triệu USD, doanh thu đạt 9,3 tỷ USD, xuất khẩu đạt 5,3 tỷ USD (chiếm 72,6% cả tỉnh).

Bên cạnh đó, tình hình xuất-nhập khẩu của địa phương cũng gặp nhiều khó khăn. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, thị trường xuất khẩu chính tiếp tục giảm nhu cầu do ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu dùng thấp.

Do đó, kim ngạch xuất khẩu của Bình Dương giảm 23,01%; kim ngạch nhập khẩu ước giảm 15,97%./.

 

 

(TTXVN/Vietnam+)

Xem các tin khác:

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x