Dịch chưa qua, tháng cô hồn lại đến, thị trường BĐS sẽ thế nào?

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp BĐS, thực tế sự quan tâm và nhu cầu của các NĐT vẫn đang ở mức cao với BĐS, chỉ là tình trạng tạm thời bị nén lại. Theo đó, lúc này, tâm thế thị trường vẫn trong trạng thái chờ đợi và sẵn sàng bật dậy khi dịch bệnh qua đi.

 

Dịch chưa qua, tháng cô hồn lại đến, thị trường BĐS sẽ thế nào?

 

Như đã thấy, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại khu vực phía Nam, khiến thị trường BĐS gần như “ngủ đông”. Cùng với dịch bệnh thì tháng 7 âm lịch (còn gọi là tháng cô hồn/tháng Ngâu) cũng sắp đến, đang gây thêm tác động kép cho thị trường BĐS. Nhiều lo ngại đặt ra, với bối cảnh Covid-19 cùng với tháng cô hồn liệu có khiến thanh khoản của thị trường BĐS càng lao dốc trầm trọng hơn?

Chia sẻ về vấn đề này, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng, những năm gần đây, thị trường bất động sản đã không còn ngại tháng Ngâu. Điều này đến từ hai phía. Thực chất đây chỉ là tâm lý kiêng kỵ trong tín ngưỡng dân gian. Đối với khách hàng, cùng với xu hướng sống ngày càng hiện đại, quan niệm, suy nghĩ của khách hàng đang ngày càng “thoáng” và cởi mở hơn trong việc mua nhà. Đối với các chủ đầu tư, họ đã tìm ra được những lời giải, giải pháp bán hàng trong thời gian này. Đó là việc đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi tốt. Đồng thời, nhiều chủ đầu tư còn để dành những sản phẩm đẹp để bán trong tháng này.

“Với mức chiết khấu, khuyến mãi lớn, cùng sản phẩm đẹp được mở bán, khách hàng mua nhà tháng Ngâu sẽ được hưởng lợi lớn. Ngoài ra, khi bán nhà tháng Ngâu, chủ đầu tư cũng linh hoạt hơn trong việc ký hợp đồng, như lùi thời hạn ký hợp đồng, giúp cho khách có tâm lý thoải mái hơn. Điều này đã kích thích nguồn cầu, dẫn đến việc giao dịch, mua bán nhà đất trong tháng ngâu vẫn khá suôn sẻ và sôi động”, ông Phúc chia sẻ.

Do đó, theo vị CEO này, nếu để nói trở ngại cho giao dịch BĐS hiện nay thì theo tôi đó vẫn xoay quanh vấn đề dịch bệnh. Tới thời điểm này, khi dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, vẫn giãn cách xã hội thì nhu cầu mua BĐS giảm là điều tất yếu. Trong tháng 7 âm lịch sắp tới cũng không ngoại lệ nếu chúng ta vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh.

“Tuy nhiên, thị trường BĐS vẫn đang có nhiều dấu hiệu đáng mừng. Tôi lấy đơn cử như trước đó, chúng ta khá quan ngại về các chương trình livestream bán hàng online. Song hai tuần gần đây, theo thông tin từ một số chủ đầu tư đưa ra, dù số lượng giao dịch qua hình thức online không cao bằng bán hàng tập trung song tỷ lệ bán hàng vẫn khá khả quan, đạt đúng hoặc vượt kỳ vọng về chỉ tiêu doanh thu online. Điều này cho thấy, lượng cầu, lượng quan tâm dành cho BĐS vẫn khá cao. Bên cạnh đó, theo thống kê từ batdongsan.com.vn, mặc dù lượng tìm kiếm bất động sản Quý 2 năm nay có sụt giảm so với cơn sốt đất hồi Quý 1 song so với cùng kỳ năm 2020 thì vẫn tăng trưởng rõ rệt. Giá bán phân khúc căn hộ trung – cao cấp đã 2-4% so với Quý 1, sau mỗi quý xác lập một mức giá mới. Như vậy có thể cho thấy, BĐS tiếp tục chứng minh là kênh tích lũy tài sản an toàn”, ông Phúc nhấn mạnh.

Dịch chưa qua, tháng cô hồn lại đến, thị trường BĐS sẽ thế nào?

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land phân tích, nhiều năm gần đây thị trường BĐS đã gần như thoát khỏi nỗi ám ảnh tháng cô hồn. So với trước đây tâm lý người mua BĐS đã không còn qua nặng nề và e ngại như trước. Các thống kê giao dịch trong tháng 7 vẫn khá tốt, điển hình như tháng 7 âm lịch năm 2020 (tháng 8-9 dương lịch) vẫn khá nhộn nhịp sau một thời gian dài thị trường bị nén lại do dịch bệnh. Đây cũng là khoảng thời gian các CĐT thường đưa các chương trình ưu đãi bán hàng khá hấp dẫn nên dưới góc nhìn đầu tư, đây là thời điểm tốt để chọn lựa và được hưởng ưu đãi cao trong năm.

Theo bà Hương, quý 3/2021 thị trường BĐS tiếp tục bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Tuy nhiên sự quan tâm và nhu cầu của các NĐT vẫn đang ở mức cao, chỉ là tình trạng tạm thời bị nén lại. Tâm thế thị trường vẫn trong trạng thái chờ đợi và sẵn sàng bật dậy khi dịch bệnh qua đi. Nếu kịch bản kiểm soát dịch bệnh và triển khai tiêm vaccine đặt hiệu quả cao trong quý 3. Chúng ta có thể kỳ vọng vào sự hồi phục của thị trường BĐS vào quý 4 năm nay.

Còn ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam nhấn mạnh, thực ra hiện tượng giao dịch “trùng” xuống trong “tháng cô hồn” vẫn được ghi nhận qua các năm. Thêm vào đó, BĐS thường có giá trị lớn, có nhiều khi gom góp rất nhiều năm mới mua được, là chuyện hệ trọng cả đời nên rất nhiều người dè dặt trong tháng 7 âm lịch vì niềm tin dân gian. Cộng thêm tác động tiêu cực của dịch Covid-19, khả năng thị trường chuyển biến sôi động hơn trong tháng cô hồn là không nhiều.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, do các kênh vàng và chứng khoán đang có nhiều biến động không chắc chắn, lãi suất tiết kiệm cũng không cao. Trái phiếu doanh nghiệp cũng không còn hấp dẫn như trước, chưa kể cũng có những rủi ro tiềm ẩn. Trong khi đó, để kích cầu, các chủ đầu tư đang rất tích cực tung ra các chương trình ưu đãi hấp dẫn. Rất khó để tìm được mức giá tốt tương tự trong giai đoạn bình thường, không bị ảnh hưởng bởi đại dịch cũng như tâm lý kiêng kỵ.

Chưa kể, theo vị chuyên gia này, BĐS có xu hướng tăng giá qua thời gian ở tất cả các phân khúc. Mua được BĐS giá tốt trong khoảng thời gian này sẽ là khoản đầu tư tốt cho tương lai. Với những người không có tâm lý kiêng kỵ quá nhiều, có nguồn tiền nhàn rỗi hoặc đã tích lũy tương đối, NĐT sẽ tìm cách “xuống tiền” để sở hữu BĐS mơ ước ngay cả trong “tháng cô hồn”. Chúng tôi ủng hộ cách nhìn và phương thức đầu tư này vì sẽ tận dụng được rất nhiều ưu thế về giá, nguồn BĐS dồi dào để lựa chọn với tâm lý thoải mái nhất có thể.

“Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chương trình tiêm vắc xin, khi thị trường hồi phục trở lại thì BĐS mua được trong giai đoạn này sẽ là “món hời” không dễ tìm kiếm được trong giai đoạn bình thường. Tất nhiên, chúng tôi vẫn khuyên người mua BĐS xem xét mọi yếu tố liên quan một cách phù hợp nhất có thể, không quyết định khi chưa tính toán kỹ càng dòng tiền của bản thân, các yếu tố pháp lý hay uy tín của chủ đầu tư”, ông David Jackson nhấn mạnh.

Chia sẻ tại Talk Show mới đây, ông Trịnh Minh Hải, một NĐT có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư BĐS cho hay, mọi năm, dù là tháng Ngâu nhưng lượng khách hàng tìm kiếm mua bất động sản vẫn diễn ra. Chỉ thấp hơn so với những tháng cao điểm khác khoảng 10% – 20%. Tuy nhiên, năm nay thị trường BĐS lại bị dính đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 kéo dài nên sức ảnh hưởng sẽ nặng hơn. Theo đó, hiện nay thị trường BĐS đang gặp phải vướng mắc là những người đi từ vùng dịch phải bị cách ly tại nhà 21 ngày. Vì thế, cùng với thời điểm quý 3 có tháng Ngâu, thì lượng khách hàng đi kiếm mua bất động sản sẽ giảm đáng kể, phải từ 50% so với những tháng bình thường, giống như tháng 5-6 vừa rồi. Tuy vậy, khi dịch được kiểm soát thì thị trường BĐS lại tiếp tục bật dậy, nghĩa là thị trường BĐS đang phụ thuộc phần lớn vào việc kiểm soát dịch bệnh nhiều hơn là yếu tố tháng Ngâu.

Cũng quan điểm về câu chuyện này, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D DKRA Việt Nam cho rằng, từ thời điểm Tp.HCM giãn cách xã hội (cuối tháng 5/2021) đến nay, gần như thị trường BĐS “ngủ đông”. Nếu tình hình giãn cách tiếp tục kéo dài, thị trường sẽ càng khó khăn hơn. Thời điểm này, sức mua BĐS bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý thận trọng của người có tiền, còn những khách hàng đã mua thì bị ảnh hưởng thu nhập. Vì thế, nhìn chung thị trường thứ cấp đang có dấu hiệu trì trệ, do một số NĐT bị áp lực lãi vay ngân hàng, đang giảm lời và muốn thoát hàng.

Tuy nhiên, thị trường BĐS vẫn có những giao dịch online được thực hiện. Cùng với đó, những tín hiệu tích cực tạo niềm tin cho thị trường BĐS như việc đẩy mạnh tiêm vaccine; một số người giàu hoặc người vẫn kiếm được tiền từ các lĩnh vực khác như chứng khoán, xuất nhập khẩu….kì vọng sẽ đổ dòng tiền vào BĐS khi dịch được kiểm soát.

Xem các tin khác:

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x